Sự nghiệp marketer có được mấy lần 10 năm?
Là một người có rất nhiều năm làm việc trong ngành Marketing và đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong cả các agency như Dentsu lẫn client như Tiki.vn, VNG,…, ngoài những đam mê với ngành, anh Tuấn Anh cũng ấp ủ mong muốn được chia sẻ và đồng hành cùng các marketer đang từng bước tiến đến điểm đích của mình.
Cùng lắng nghe những lời tâm huyết của anh Tuấn Anh nhé!
Anh hãy gửi lời chào đến các bạn marketer đi ạ!
Xin chào, mình là Phan Tuấn Anh, đang đảm trách mảng Sales & BA (Phát triển & Phân tích Kinh doanh) tại IPI Technology Solution chuyên về giải pháp chuyển đổi số cho hệ thống chuỗi phân phối bán lẻ sản phẩm dịch vụ. Bên cạnh đó, mình cũng là trainer của Chương trình đào tạo Marketing Planning 101 của mkt101.vn
Phác họa ngắn gọn về hành trình 10 năm làm ngành của anh?
Mình đi làm marketing từ năm 2008, bắt đầu từ vị trí account tại Focus Asia, Dentsu Vietnam, sau đó chuyển qua làm client side tại VNG, Deca, Tiki, VPBank, và trong 2 năm gần đây công việc hiện tại không còn bó hẹp trong khuôn khổ của marketing nữa mà lấn sân sang mảng Phân tích Kinh doanh và Quản lý dự án Chuyển đổi số mảng cung ứng – bán lẻ cho các tập đoàn.
Làm trải rộng trên nhiều vị trí và lĩnh vực khác nhau trong ngành marketing, anh có thể kể về những khó khăn và thuận lợi của mình trên bước đường phát triển sự nghiệp của mình được không ạ?
Nếu nói về thuận lợi và khó khăn, thật ra nên bắt đầu từ sự lựa chọn con đường phát triển cá nhân. Xuyên suốt chặng đường này, mình đặt trọng tâm xoay quanh 3 trục chính là Truyền thông – Bán lẻ – Công nghệ dựa trên nền tảng kiến thức về marketing, với tầm nhìn là trở thành chuyên gia tư vấn phát triển Doanh nghiệp.
Với công việc hiện tại, mình có cơ hội được làm việc với các Doanh nghiệp lớn của Việt Nam, tuy nhiên nó cũng đem lại một thách thức không nhỏ trong quá trình làm việc mình sẽ phải tiếp xúc và giải quyết vấn đề của các nhóm đối tượng rất khác nhau. Ví dụ như ở giai đoạn đề xuất giải pháp, đối tượng chính mà mình được thảo luận và thống nhất giải pháp là các cô chú Tổng Giám đốc, các Giám đốc khối Kinh doanh, Vận hành, Tài chính… và họ sẽ có những góc nhìn riêng về business cũng như pain points khác nhau. Cho đến bước tiếp theo là xây dựng giải pháp công nghệ, thì nhóm đối tượng mà mình tập trung phục vụ lại là các anh chị nhân viên vận hành hệ thống cũng như các chủ doanh nghiệp trong chuỗi phân phối bán lẻ liên quan (Nhà Phân phối, Đại lý, Cửa hàng…), làm thế nào để phát triển các sản phẩm với UI/UX và tính năng hợp lý để giúp họ tăng năng suất lao động và phát triển được doanh thu ổn định.
Có một thuận lợi rất lớn trong công việc hiện tại của mình, đó là với kiến thức & kinh nghiệm làm nghề marketing trong suốt hơn 12 năm đã giúp mình có các kỹ năng để thu thập phân tích insights, động lực trở lực chuyển đổi của mỗi nhóm đối tượng để có thể đưa ra các giải pháp đề xuất hợp lý trong từng giai đoạn.
Bằng kinh nghiệm và những quan sát cá nhân, theo anh, tại sao chúng ta lại thường chững lại và gặp khó khăn trong giai đoạn sau khi vào ngành được 2-5 năm?
Thường thì sau vài ba năm đi làm, chúng ta sẽ được trải nghiệm quá trình thay đổi đầu tiên là từ môi trường học thuật bước ra môi trường thực tế. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân với sự lựa chọn công việc để bắt đầu trong ngành marketing cũng sẽ mang đến cho mình những kiến thức và kỹ năng mới.
Thông thường các bạn sẽ cảm nhận được một vấn đề chung đó là tại sao những thứ mình làm hàng ngày nó không liên quan gì đến những kiến thức trước đây mà mình được đào tạo. Điểm thứ hai, các bạn thường sẽ được công việc thực tế đào tạo chuyên sâu vào một chuyên môn cụ thể, ví dụ như là Social Media, Digital ads, Trade, và các bạn bị cuốn vào những hoạt động này mà bị mất đi bức tranh toàn cảnh về marketing cho lĩnh vực, sản phẩm mà bạn đang phụ trách.
Thực ra giai đoạn tích lũy 2 – 5 năm này là rất cần thiết để các bạn thu hoạch những trải nghiệm và kiến thức thực tế về ngành nghề và lĩnh vực của mình. Bạn sẽ sử dụng những kinh nghiệm thực tế này để reflect lại với những kiến thức được đào tạo trước đây mà rút ra cho mình những mô hình, frameworks về marketing cũng như những kỹ năng chuyên môn để có thể chuyển mình lên cấp độ cao hơn trong ngành marketing, mà thông thường là cấp độ Quản lý cấp trung (Marketing manager)
Khoảng thời gian 2 – 5 năm này tùy thuộc vào mỗi cá nhân với tư chất và nền tảng kiến thức khác nhau. Với những bạn được đào tạo chính quy về marketing, cộng với năng lực tư duy tốt thì việc tự rút ra cho mình những mô hình, frameworks này khá nhanh và thường chỉ mất 2 đến 3 năm là các bạn đã có thể hoàn thành và đảm trách được các nhiệm vụ mới ở cấp độ cao hơn trong công việc. Còn với các bạn khác sẽ thường mất từ 3 đến 5 năm.
Tuy nhiên đó là với những bạn kiên trì nỗ lực hàng ngày để hoàn thiện, bổ sung năng lực cá nhân, chứ không phải cứ làng nhàng đi làm và tận hưởng cuộc sống rồi mặc định sau vài năm là có thể up level.

Làm trong ngành Marketing, một bài học xương máu mà anh muốn bất cứ ai cũng cần phải lưu ý là gì?
Bài học rút ra: marketing không phải là ngồi trong văn phòng đọc báo cáo phân tích rồi đưa ra quyết định, mà phải đi ra thị trường, nói chuyện nhiều hơn với khách hàng và liên tục lắng nghe phản hồi của Kinh doanh. Từ đó, bạn mới có đủ cơ sở để đưa ra nhận định và quyết định chính xác.
Để nói về chuyện này, Tuấn Anh muốn chia sẻ về một sai lầm mà bản thân đã mắc phải khi mới tham gia vào VNG ở vị trí Brand Manager cho sản phẩm Game Online 3Q (Mộng Tam Quốc, 3Q Củ hành) vào khoảng đầu năm 2012. Trước khi gia nhập vào VNG, Tuấn Anh chỉ có kinh nghiệm làm marketing cho các sản phẩm FMCG thông thường. Rất tự tin với kinh nghiệm trước đó của mình, cộng với việc nghiên cứu các báo cáo hành vi của người dùng, Tuấn Anh đưa ra một bản kế hoạch launching sản phẩm khá hoành tráng với ưu tiên dành phần lớn ngân sách cho các hoạt động PR và xây dựng hình ảnh thương hiệu hấp dẫn để từ đó tạo ra động lực và nhu cầu kéo khách hàng đến với sản phẩm của mình. Vào giai đoạn launching, sản phẩm tạo được tiếng vang lớn trên thị trường tuy nhiên lượng người chơi tạo tài khoản và tham gia trải nghiệm sản phẩm rất thấp và bị đánh giá là failed toàn tập.
Rất may mắn là vào thời điểm đó, anh sếp của Tuấn Anh vẫn cho thêm một cơ hội thứ hai để re-launch lại sản phẩm. Với cơ hội lần 2 này, Tuấn Anh đã dành rất nhiều thời gian để đóng vai một gamer chân chính ra phòng net chơi game để cảm nhận được chính xác những gì mà một gamer sẽ trải qua. Song song, Tuấn Anh xin được một chân hỗ trợ trong đội Phòng máy (là bộ phận chăm sóc và triển khai hệ thống phòng net của VNG) liên tục đi làm việc và trao đổi với các chủ quán net để biết nhu cầu và khó khăn hiện tại. Cuối cùng thì sau 4 tháng, một bản kế hoạch re-launch sản phẩm được đề xuất và triển khai thành công ngoài mong đợi. Đỉnh cao của sản phẩm này là vào đợt sự kiện giải đấu toàn quốc, team của Tuấn Anh đã tổ chức thành công một event quy tụ hơn 10,000 người tham gia offline và gần 100,000 người theo dõi online qua kênh youtube & fanpage của sản phẩm vào tháng 12/2014.

Có nhiều ý kiến trái chiều về ‘Nhảy Việc”, anh nghĩ thế nào khi gặp phải trường hợp này ở nhân viên của mình? Anh cũng từng có những giai đoạn có sự thay đổi trong con đường sự nghiệp, vậy những thuận lợi và khó khăn trong việc này là gì?
Thật ra nhảy việc là tích cực hay tiêu cực thì mình không đưa ra đánh giá, tuy nhiên với mình thì mình thấy cứ thay đổi thì đều là dấu hiệu tốt.
Khi một nhân viên của mình thông báo rằng bạn ấy sẽ nghỉ công việc hiện tại để chuyển sang một công ty mới với vị trí mới, điều đầu tiên mình sẽ nghĩ đến là mong ước bạn ấy sẽ có một lựa chọn chính xác và kiên trì với sự lựa chọn của mình. Điều thứ hai mình nghĩ đến, đó là khi một nhân sự rời đi thì đó cũng chính là cơ hội cho các thành viên còn lại được cơ hội chứng minh năng lực và up level.
Còn khi có thêm một nhân sự mới tham gia vào team, cái mình luôn suy nghĩ đó là làm thế nào để bạn ấy có thể tăng tốc, giữ nhịp với team cũng như cộng hưởng để team tạo ra thêm những giá trị mới.
Tuấn Anh nhìn nhận việc quản trị nhân sự chính là là không giữ nhân sự. Điều này Tuấn Anh thực sự thấm thía trong suốt quãng thời gian đi làm của mình luôn được cơ may gặp những anh chị leader luôn cố gắng tạo ra một không gian nhiều cơ hội học hỏi, vui, chân thành, một nơi mà những con người bị hút vô đó sẽ chia sẻ những giá trị chung và làm việc cùng nhau. Rồi đến một thời điểm, khi mà tầm nhìn cũng như những giá trị này không còn trở nên phù hợp với nhau nữa, thì thẳng thắn chia sẻ và rời đi trong tâm thế thoải mái, để sau này gặp lại nhau vẫn tươi cười và biết đâu lại có cơ hội làm việc cùng nhau.
Bản thân Tuấn Anh cũng đã có khá nhiều lần “nhảy việc”. Nhảy từ below the line lên above the line, nhảy từ agency side sang client side, nhảy từ thương mại điện tử sang fintech, rồi nhảy từ Marketing sang Product. Mỗi lần chuẩn bị nhảy việc là một lần cân nhắc thiệt hơn cũng như tự vấn lại bản thân xem con đường mình đi đã chính xác hay chưa. Tuy nhiên, với Tuấn Anh khi đã quyết định thì sẽ chỉ tập trung vào thực hiện việc mình đã chọn, và một khi đã chọn một công việc thì sẽ phải toàn tâm toàn ý cho công việc đó.
Để có những cú nhảy chính xác, theo kinh nghiệm của Tuấn Anh thì bạn cần phải chuẩn bị sẵn cho mình một kịch bản lộ trình chính xác với những trục chính trong lĩnh vực kinh doanh và kinh nghiệm của mình, cùng một tầm nhìn dài hạn trong 10 năm.
Mỗi khi chuyển việc, ai cũng phải mất thời gian làm quen với môi trường mới, ngành nghề mới, lĩnh vực mới, nhưng cái khó nhất theo Tuấn Anh nhìn nhận đó là giữ vững niềm tin với sự lựa chọn của mình, đặc biệt là khi các bạn quyết định nhảy việc chuyển ngành. Khi bạn qua một ngành mới, bạn phải đủ dũng cảm để bỏ đi cái bạn đã biết, đã rành để học một thứ mới. Nhưng cái mà bạn sẽ gặt hái được đó là một góc nhìn mới về chính công việc trước đây mà bạn đã làm, để từ đó bạn sẽ phát hiện ra những kiến giải riêng của mình cho những case studies trong tương lai.

Cảm nhận của anh khi được làm việc cùng với nhiều thế hệ marketer, đặc biệt là thế hệ Gen Y và Z?
Tuấn Anh thấy đặc điểm chung ở phần lớn các bạn marketer Gen Y Gen Z là suy nghĩ cởi mở, trình độ ngoại ngữ tốt và không ngại bày tỏ quan điểm cá nhân về các vấn đề. Theo mình đây là 3 điểm chính sẽ giúp các bạn phát triển rất nhanh.
Tuy nhiên, điểm chưa ổn mà Tuấn Anh thường thấy ở các bạn marketer trẻ là thường nóng vội trong các quyết định của mình, trong công việc thường ngày cũng như trong lựa chọn “nhảy việc”.
Nóng vội trong công việc hàng ngày là như thế nào? Là các bạn ít khi nào dành thời gian để ngẫm nghĩ cho kỹ yêu cầu của các leader về công việc được giao, việc này có thể vì 2 lý do, một là bạn thực sự không biết gì về nó, 2 là vì bạn nghĩ rằng nó sẽ giống cái tương tự đã làm trước đây. Bạn sẽ xắn tay vào làm mà không dành thời gian tìm hiểu về nó cũng như lấy ý kiến phản hồi của leader về outline đề xuất của bạn.
Nóng vội trong lựa chọn “nhảy việc” là sao? Là bạn bị một sức ép vô hình rằng ở ngoài kia có nhiều bạn trẻ tầm tuổi mình hoặc hơn mình vài tuổi nghề mà đã là Manager, Head này kia, và các bạn bị cuốn vào suy nghĩ đó, làm cho các bạn bị mất đi định hướng sự nghiệp của mình. Sự nghiệp, không phải là 5 năm hay 10 năm, mà sự nghiệp là sau 10 năm bạn sẽ là gì. Con đường của mỗi người là khác nhau, Đi nhanh đi chậm không quan trọng bằng đi đúng hướng.

Theo anh, marketer nên làm gì để luôn phát triển và thăng hoa trong sự nghiệp của mình?
Theo mình thì có những việc như sau:
- Luôn luôn lắng nghe, lắng nghe một cách tích cực với mọi ý kiến cùng chiều và trái chiều với mình với thái độ cởi mở, cầu thị để có được nhiều góc nhìn nhất về một vấn đề.
- Liên tục làm giàu vốn kiến thức của mình bằng việc đọc, nhưng đọc không chưa đủ, hãy dành thời gian để áp dụng những cái mình đọc được vào thực tế để rút ra trải nghiệm và bài học riêng của mình.
- Quan trọng nhất: Rèn luyện kỹ năng hàng ngày, từ kỹ năng chuyên môn đến kỹ năng mềm, vì kỹ năng thì ai cũng có thể học được, nhưng rèn luyện để kỹ năng đó trở thành một kỹ xảo thì cần rất nhiều thời gian.
Nghe thì có vẻ là mơ hồ, nhưng Tuấn Anh có một tip như thế này mà mình đã tự áp dụng suốt những năm vừa qua. Đó là luôn luôn có sẵn trong người một số câu hỏi và kịch bản in-depth interview nhanh về sản phẩm dịch vụ mà mình đang cung cấp, sau đó trong mọi tình huống có cơ hội, Tuấn Anh đều hỏi người đối diện những câu hỏi này để luyện tập kỹ năng phỏng vấn thu thập insights cũng như từ đó phát hiện ra nhiều góc nhìn mới về sản phẩm của mình.
Tại sao lại là mốc 10 năm ạ?
Cái này thì chắc cũng tương tự bạn Đen Vâu thôi (cười). Thật sự mình nghĩ thấy như thế này:
Qua 12 năm phổ thông gọi là giai đoạn mở mắt, vỡ lòng. Hoàn thành đào tạo chuyên ngành, chuyên môn (gọi là giai đoạn Cơ bản). Nhận chứng chỉ nghề nghiệp hoặc văn bằng (gọi là giai đoạn được nhìn nhận). Đi làm: giờ cống hiến được ghi nhận. Trong suốt quãng thời gian học và tốt nghiệp, bạn cũng đâu đó nhìn ra được bạn muốn làm gì, hoặc ít nhất có vài khái niệm về những việc cần làm tiếp theo. Và bây giờ, với tấm bằng tốt nghiệp trong tay, bạn ở giai đoạn ngưỡng cửa quan trọng nhất của cuộc đời: ngưỡng cửa sự nghiệp. Sự nghiệp bắt đầu từ sự cống hiến giá trị của bạn cho xã hội thông qua những giờ đầu tư, đi làm và hoàn thiện bản thân. Sự nghiệp của một con người đâu đó kéo dài trung bình 30 đến 40 năm, dài hơn nữa thì chắc 50 là cùng, khi vì khi đó bạn cũng đã là các ông bà cụ 70 hết rồi (cười). Vậy rất có lý do để chia thành các phân đoạn 10 năm để cùng đặt mục tiêu và kế hoạch hành động, để mỗi 10 năm chúng ta lại cùng nhìn lại và chấn chỉnh kế hoạch, đúng không nào?

Và hãy ghi nhớ, 10 năm cống hiến đầu tiên trong sự nghiệp của bạn chủ yếu là khám phá, và gần như toàn bộ là về chính bạn. Do đó, hãy luôn có cho mình một tầm nhìn dài hơn 10 năm cho con đường sự nghiệp của mình nhé!
Hiện tại anh Phan Tuấn Anh đang là Trainer tại Chương trình đào tạo Marketing Planning 101 – Khóa học giúp các bạn marketer trẻ định hình các framework làm việc trong ngành marketing và kiến thức tổng quát để tự tin thiết kế bản kế hoạch Marketing Master Plan cho doanh nghiệp của mình.
Chi tiết thông tin và đăng ký ghi danh khóa học tại: CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO MARKETING PLANNING 101